Lan tỏa thông điệp bình đẳng giới từ xã Nậm Tha
Lượt xem: 291
Nậm Tha là xã vùng III thuộc huyện Văn Bàn có 7 thôn, bản với gần 500 hộ, trên 3000 nhân khẩu gồm 4 dân tộc Dao, Mông, Kinh, Tày cùng chung sống. Những năm gần đây đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc có nhiều đổi thay tích cực nhờ các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước đồng thời với việc bà con mạnh dạn làm ăn kinh tế, đầu tư vào phát triển cây quế. Đồng hành cùng bà con, từ năm 2019 đến nay với sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV và các cơ quan liên quan của tỉnh Lào Cai, của huyện Văn Bàn đã thành lập, duy trì hoạt động 07 tổ nhóm nông dân cùng sở thích quế tại các thôn, bản thu hút các cặp vợ chồng, nam nữ nông dân tích cực tham gia.

Cùng với tập hợp bà con sinh hoạt trong cùng tổ nhóm sở thích, hỗ trợ kết nối phát triển kinh tế, chương trình triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen lạc hậu hướng vào mục tiêu bình đẳng giới. Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, trong khuôn khổ chương trình Phát triển hệ thống thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm quế nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ tỉnh Lào Cai; Ngày 18/7/2020 Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai chủ trì phối hợp tổ chức sự kiện truyền thông “Chia sẻ việc nhà – Gia đình hạnh phúc” tại xã Nậm Tha với sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia và Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV thu hút đông các cặp vợ chồng, nam nữ nông dân hào hứng tham gia.

Quang cảnh sự kiện truyền thông “Chia sẻ việc nhà – Gia đình hạnh phúc” xã Nậm Tha

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2020 đặc biệt ý nghĩa khi diễn ra trong Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, năm 2020, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6  với chủ đề: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” còn Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (từ ngày 1/6 đến 30/6/2020) diễn ra với chủ đề là “Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Sự kiện truyền thông “Chia sẻ việc nhà – Gia đình hạnh phúc” lần đầu tiên tổ chức tại Nậm Tha nên bà con đều phấn khởi. 
Thay vì cách truyền thông một chiều, sự kiện đã lấy người dân làm trung tâm, phát huy ý kiến, sự tham gia của người dân, để người dân tự trải nghiệm và rút ra bài học, sự cần thiết phải điều chỉnh hành động của bản thân mình, của gia đình và cộng đồng. Với cách thức tuyên truyền nhẹ nhàng, dí dỏm, vui vẻ nhưng thấm thía, các cặp vợ chồng đều mong muốn có sự thay đổi trong phân công lao động theo giới truyền thống nhất là với mô hình gia đình dân tộc thiểu số còn phong tục tập quán lạc hậu.

 
 

Nam giới thi vừa giả mang bụng bầu vừa tẽ ngô, làm việc nhà 

Người dân xung phong, hào hứng tham gia các hoạt động chung và các trò chơi có chủ đích như: Tham gia tìm hiểu kiến thức “Ai là triệu phú” trả lời các câu hỏi trắc nghiệm theo các đáp án cho sẵn bà con có được kiến thức đúng về bình đẳng giới; Trò chơi “Vợ chồng hiểu nhau” các cặp vợ chồng thấm thía những điều tưởng như đơn giản hàng ngày trong cuộc sống giữa vợ và chồng; Trò chơi “Hiểu ý đồng đội” giúp mọi người trong tổ nhóm nông dân cùng sở thích quế thêm đoàn kết, thống nhất hành động; Trò chơi “Thế giới trong gương” khi nam giới mang bầu thấm thía nỗi vất vả của người phụ nữ từ đó cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ cùng làm việc nhà, việc ruộng nương, giành thêm thời gian cho phụ nữ nghỉ ngơi; Hoạt động ý kiến cộng đồng từ người dân tự đề ra các việc làm, hành động cụ thể thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Song song với hoạt động chung, tại sự kiện truyền thông cũng đã phát động, hướng dẫn bà con hưởng ứng tham gia cuộc thi online “Hạnh phúc gia đình - Mình cùng vun đắp” do Tổ chức Phát triển Hà Lan và Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn phối hợp tổ chức bằng việc cá nhân tự trả lời 25 câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh chủ đề về giới, gia đình, luật pháp liên quan. 

 

Vợ chồng trẻ chia sẻ trước bà con

Chị Triệu Thị Mủi, dân tộc Dao, thôn Vàng Màu cười vui, chia sẻ: “Em tưởng là vợ chồng ở với nhau lâu rồi nên hiểu biết nhau, nhưng hôm nay từ trò chơi này (trò chơi vợ chồng hiểu nhau - PV) mới biết là nhầm; còn nhiều điều chưa hiểu nhau đâu”. Anh Giàng A Nhà, dân tộc Mông, thôn Khe Vai sau khi tham gia trò chơi cho biết: “Đeo bụng bầu nặng thật, lại có cái gì cứ bò bò ở bụng. Mình thấy thương vợ hơn rồi, về nhà sẽ làm việc nhà nhiều hơn. Việc nhà cũng không khó làm đâu mà”. Chị Triệu Thị Ghến, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Tha nhận xét: “Em rất thích cách tổ chức hôm nay, em chưa được dự thế này bao giờ. Cách tuyên truyền vừa nhẹ nhàng nhưng lại sâu sắc, lấy người dân làm trung tâm, gần gũi, người dân hào hứng”. Chị Đặng Thị Khánh, thôn Phường Cang tươi cười cho biết: “Sau hôm nay về em sẽ nhắc nhở chồng cùng làm việc nhà chứ em không tham lam ôm hết việc vì cứ nghĩ là chồng không biết làm và đấy là việc của vợ. Chồng em hôm nay cũng đi nên cũng biết rồi mà”...

Các cặp vợ chồng tham gia nội dung “Vợ chồng hiểu nhau” 

Từ sự kiện truyền thông “Chia sẻ việc nhà – Gia đình hạnh phúc” người dân biết thêm về trách nhiệm bản thân thực hiện bình đẳng nam, nữ; coi trọng, đánh giá cao hơn về người làm việc nhà; phụ nữ và nam giới cùng có sự đánh giá, nhìn nhận rõ hơn về vai trò của phụ nữ; nhận thức được người đàn ông tốt là người biết chia sẻ, biết làm việc nhà. Nam giới và phụ nữ cùng nhìn nhận lại công việc gia đình, phân công lao động theo giới truyền thống hiện nay, có cam kết chia sẻ việc gia đình, cùng nhau tạo ra sự thay đổi để đạt bình đẳng giới trong gia đình và xã hội. 
Thông qua sự kiện tạo cơ hội, sân chơi giao lưu bổ ích nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, tạo hiệu ứng tốt; phụ nữ được tôn vinh, tăng cường mức độ tự tin, chủ động; thông điệp nam giới chia sẻ việc nhà, bình đẳng giới được chính người dân sử dụng điện thoại chụp ảnh, ghi hình hoạt động và đăng tải lên mạng xã hội zalo, facebook… sức lan tỏa, tuyên truyền thêm rộng rãi./.

 

 

Hải Vũ
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập