Ngày Vệ sinh Kinh nguyệt Thế giới năm 2024: Hãy biến điều khó nói thành điều bình thường
Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khỏe và vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ và trẻ em gái.
Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc sự kiện
Sáng 28-5, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam tổ chức truyền thông trực tiếp tại TP. Hải Phòng và trực tuyến tại hơn 300 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về ngày vệ sinh kinh nguyệt thế giới với chủ đề “Biến điều khó nói thành điều bình thường” năm 2024. Tại tỉnh Lào Cai, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục tổ chức hai điểm cầu truyền thông trực tuyến tại hai điểm cầu tại Trường Nội trú huyện Mường Khương, trường Nội trú tỉnh Lào Cai với tổng số 130 cán bộ hội, giáo viên và học sinh tham gia.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam cùng với sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế, đã không ngừng nỗ lực thực hiện các chương trình nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái, từ thành thị tới nông thôn. Đồng thời khẳng định, mỗi bước tiến nhỏ trong việc cải thiện vệ sinh kinh nguyệt cũng chính là bước tiến về phía xã hội công bằng và tiến bộ hơn. Sự kiện hôm nay là cơ hội để mỗi người cam kết hành động, góp phần xây dựng môi trường học đường và cộng đồng thân thiện, sạch sẽ và an toàn, nơi mà vấn đề vệ sinh kinh nguyệt được cởi mở thảo luận và giải quyết hiệu quả.
Đông đảo học sinh tham gia tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Phó Chủ tịch Hội mong muốn cộng đồng xã hội và các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, học sinh loại bỏ định kiến xung quanh vấn đề kinh nguyệt vì đây là vấn đề sinh lý bình thường của tất cả phụ nữ. Thầy cô và học sinh trong nhà trường nên thường xuyên trao đổi về các khó khăn của học sinh nữ, chú trọng xây dựng và cải tạo, mở rộng nhà vệ sinh, các điều kiện cơ sở đảm bảo vệ sinh cho các em trong các trường học (như: cung cấp nước rửa tay, xà phòng, giấy vệ sinh cho học sinh), đặc biệt chú ý khu vực nhà vệ sinh nữ, tạo môi trường thân thiện cho các em học sinh nữ trong thời kỳ vệ sinh kinh nguyệt tại trường.
Khuyến khích phụ nữ và các em học sinh chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ, trang bị kiến thức, kỹ năng để chủ động quản lý vệ sinh kinh nguyệt, quản lý sức khỏe của bản thân mình một cách khoa học và hiệu quả để các em gái vị thành niên sống trong không gian đô thị và cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là ở các vùng nông thôn có thể tự tin vượt qua “kỳ nguyệt san” của mình một cách an toàn và thoải mái, đồng thời tự tin đưa ra những quyết định liên quan đến sức khoẻ sinh sản một cách sáng suốt, cha mẹ hãy là người đồng hành, chia sẻ, hướng dẫn con gái các kỹ năng vệ sinh kinh nguyệt, sức khoẻ sinh sản cho tuổi vị thành niên. Hãy cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi, phá bỏ rào cản và xây dựng một tương lai mà ở đó, kinh nguyệt không còn là trở ngại cho bất kỳ ai. “Hãy biến những điều khó nói thành điều bình thường”.