Khởi nghiệp từ trồng nấm
Lượt xem: 100
Năm 2010, Trong một lần đi chợ, chị Vũ Thị Hiến, thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng nhìn thấy có người bán nấm rơm, chị rất thích, cứ lân la hỏi thăm người bán nấm về quy trình trồng nấm, nhưng do điều kiện môi trường của địa phương cộng thêm với việc tìm nguyên liệu từ rơm nhiều khi khó khăn chị Hiến nảy ra ý định có thể làm nấm từ mùn cưa thì chắc sẽ tốt hơn.

Từ đó chị dành thời gian tìm hiểu thêm về quy trình trồng nấm sò thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo, ti vi…Đồng thời chị đã trực tiếp lên sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai hỏi về quy trình trồng nấm, được cán bộ  Sở nhiệt tình hướng dẫn và cho biết có thể làm nấm sò từ mùn cưa, điều đó đã thôi thúc và tạo động lực cho chị tiếp tục tìm tòi. Chị đã về Hà Nội học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật tại Viện di truyền nông nghiệp quốc gia (với thời gian là 30 ngày) kết thúc khóa học chị được Viện cấp chứng chỉ.

Với kiến thức được học hỏi và sự tạo điều kiện, ủng hộ của gia đình, chị đã bắt tay vào xây dựng cơ sở trồng nấm. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH gia đình, anh em, họ hàng, chị bắt đầu trồng nấm với quy mô lúc đầu chỉ có 01 lán với tổng diện tích là 100 m2 . Những vụ nấm ban đầu, do ít kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều bịch bị hỏng, phát triển chậm, sản lượng thu hoạch thấp. Bên cạnh đó, mặt hàng này còn khá lạ lẫm với người dân trong xã nên chị gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu  ra cho sản phẩm. Không nản chí, chị luôn kiên trì với mục đích trồng nấm của mình Qua mỗi vụ nấm, chị lại tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, đồng thời tìm được nhiều mối hàng ổn định. Hiện giờ, cơ sở trồng nấm sò của chị đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp nấm sò tới các gian hàng ở chợ thị trấn Phố Lu, xã Xuân Quang, Phong Niên…
Chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm: Chị Hiến cho biết “Trồng nấm không khó nhưng phải chịu khó chăm sóc và kiên trì với nghề”. Chọn và xử lý giống là khâu quan trọng nhất. Bên cạnh đó, việc đóng bịch nấm quyết định đến thành công của vụ nấm: khi thu gom lấy mùn cưa về cần phải xử lý bằng vôi bột để tránh bị mốc , trước khi đóng bịch cần phải sàng mùn cưa trộn cùng với 1 ít rơm cũng đã được xử lý bằng nước vôi cộng với bột ngô với cám gạo rồi đóng bịch, tiếp đó cho vào nồi hấp với nhiệt độ 110 độ trong thời gian 3 tiếng, tiếp đó để bịch nguội thì mới cấy giống ươm sợi, trong vòng 1 tháng khi sợi nấm ăn ra hết, treo nấm lên ba bốn hôm thì rạch bầu để nấm mọc ra , hàng ngày phải thường xuyên tưới nước 2 lần sáng và chiều đồng thời giữ nhà xưởng phải luôn ẩm, lượng ánh sáng vừa đủ để nấm mọc nhanh và đều hơn, đồng thời khử trùng thường xuyên để nấm không bị nhiễm bệnh.
Phát triển mô hình trồng nấm đến nay đã 8 năm, hiện tại, gia đình chị hiện có 03 lán trồng nấm, 01 nồi hấp, với tổng số gần 1 vạn bịch nấm. Thời điểm trồng nấm đạt năng suất cao nhất là từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, thời gian này khí hậu ẩm, cây nấm phát triển mạnh. Do tuân thủ tốt các quy trình làm nấm từ thanh trùng nguyên liệu, đến khâu cấy giống và chăm sóc… nên nấm sò của gia đình chị phát triển rất tốt, bình quân mỗi tuần gia đình chị bán từ 50-70 kg nấm sò tươi với giá bán ra thị trường có giá 30.000-35.000 đồng/kg, sau khi  trừ chi phí sản xuất, mô hình trồng nấm đem về cho gia đình chị   thu   nhập 70-100 triệu đồng/năm.
Sản phẩm nấm sò giàu chất dinh dưỡng và đó cũng là  sản  phẩm  sạch  nguyên  liệu 100% từ tự nhiên vì nguyên liệu của nó từ mùn cưa là rác thải từ ngành sản xuất chế biến gỗ, nguyên liệu trồng nấm như một chu trình khép kín mọi nguyên liệu có thể tận dụng được hết, vì sau khi thu nấm xong, bã mùn cưa đó lại dùng để bán cho hộ gia đình trồng hoa hồng, tận dụng chế phẩm đó làm phân bón hữu cơ cho cây rất tốt cánh hoa rất dày và đẹp. Do đó mô hình trồng nấm có thể nhân rộng, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.Bằng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, chị Hiến là tấm gương phụ nữ vươn lên sáng tạo khởi nghiệp. Để mô hình được nhân rộng, giúp nâng cao thu nhập, góp phần phát triển king tế, xã hội địa phương, chị mong muốn Hội phụ nữ các cấp sẽ là cầu nối liên kết các hộ trồng nấm để các có thể trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ nhau trong kết nối tiêu thụ sản phẩm và mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật để nghề trồng nấm sẽ là hướng phát triển mới, giúp nhiều hộ nghèo ổn định cuộc sống.

 

 


 

 Tác giả: Bùi Minh Huệ

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập