Chắp cánh thương hiệu quế Nậm Đét
Lượt xem: 163
Nói đến cây quế mọi người thường nghĩ đến vùng đất Nậm Đét huyện Bắc Hà. Từ một xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đến nay quế đã trở thành biểu tượng vùng cao Nậm Đét, đưa địa phương trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế.

Nói đến cây quế mọi người thường nghĩ đến vùng đất Nậm Đét huyện Bắc Hà. Từ một xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đến nay quế đã trở thành biểu tượng vùng cao Nậm Đét, đưa địa phương trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế.

45 năm trước, nữ Bí thư Đảng bộ xã Triệu Mùi Pham đã dẫn đoàn cán bộ xã Nậm Đét lặn lội xuống vùng sâu Viễn Sơn, tỉnh Yên Bái học cách trồng quế. Từ 20 nghìn cây quế con và hai tạ hạt giống quế ban đầu; được cán bộ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con đã thay đổi tập quán lâu đời là phát rừng làm nương chuyển sang trồng quế, giữ rừng. Quế là cây lâm nghiệp lâu năm, có giá trị kinh tế cao. Tất cả các sản phẩm từ cây quế như vỏ, lá, cành, thân gỗ đều được sử dụng, trong đó sản phẩm chính là vỏ quế chiếm 73% doanh thu từ quế, tinh dầu chưng cất từ lá chiếm 20%, gỗ quế chiếm 7%. Mỗi ha quế cho lợi nhuận cao hơn hai lần so với các loại cây gỗ khác như mỡ, keo... trong khi chi phí đầu tư tương đương.


Cây quế đã gắn bó vài chục năm, song bà con Nậm Đét chủ yếu mới dừng lại ở việc bán quế thô, giá trị sản phẩm chưa cao. Thời gian gần đây, quế Nậm Đét đang dần được tăng giá trị sản phẩm thông qua hàng loạt các tác động, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, sơ chế ban đầu đi liền với các hoạt động nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị quế. Với sự hỗ trợ từ Tổ chức phát triển Hà Lan, Trung tâm Khuyến nông, Hội Phụ nữ tỉnh, xã Nậm Đét đã thành lập 8 tổ nhóm nông dân cùng sở thích trồng quế và tổ chức hàng loạt các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ người dân, phát triển sản phẩm quế, nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị. Khi đã hình thành các nhóm, Công ty Cổ phần Techvina liên kết với các nhóm nông dân Nậm Đét xây dựng chuỗi liên kết, thanh tra trường kỳ để hình thành lên vùng quế hữu cơ.

Đến nay xã nậm Đét hiện có vùng trồng quế trên 1.700 ha, trong đó 1.200 ha đang cho thu hoạch, trên 500 ha rừng quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ, có 6/8 thôn của xã phát triển trồng quế. Mỗi năm, doanh thu từ cây quế đem lại cho nền kinh tế địa phương ước đạt trên 20 tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn xã có 2 xưởng sơ chế quế, trên 40% người dân xã Nậm Đét đã thay đổi, biết sơ chế sản phẩm, quế sau khi sơ chế có giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với quế thô. Năm 2018, thu nhập bình quân người trồng quế tăng 23% so với năm 2017. Vừa qua, Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét đã được thành lập tại xã gồm 7 thành viên đều là những hộ trồng, kinh doanh quế lâu năm trên địa bàn. Hợp tác xã đã kết nối với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà ký thỏa thuận hợp tác về cung ứng, bao tiêu các sản phẩm quế trong năm 2019.

Ở Lào Cai quế được trồng ở các huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên, song nhiều nhất là ở xã Nậm Đét. Lào Cai đặt mục tiêu phát triển vùng trồng quế đến năm 2025 với diện tích ổn định 25.000 ha tại 50 xã thuộc 4 huyện: Bảo Yên (7.800 ha), Bắc Hà (7.300 ha); Bảo Thắng (5.500) ha; Văn Bàn (4.400 ha). Diện tích này sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh dầu quế và nhu cầu thị trường tiêu thụ vỏ quế; qua đó sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao năng suất, hiệu suất lao động và giá trị thu nhập cho người trồng quế./.


 Tác giả: Quang Anh

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập