Những vấn đề đặt ra đối với công tác xây dựng gia đình trong điều kiện tình hình mới
Lượt xem: 485
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói "Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt". Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực đạo đức, giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống.

         Những năm qua dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cấp, các ngành, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thu được một số kết quả: Vị trí, vai trò của gia đình ngày càng được củng cố và phát huy, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đến nay toàn tỉnh Lào Cai có trên 83% hộ Gia đình văn hóa. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao; tình làng nghĩa xóm được củng cố, truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được nhân rộng; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng; việc thực hiện nếp sống văn minh ngày càng được phổ biến, nhân rộng và phát huy hiệu quả thiết thực. 
Nhiều phong trào thi đua sôi nổi, tích cực là động lực thúc đẩy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình. Tiêu biểu như các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa,  Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình xây dựng gia đình hạnh phúc; Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền…. đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình. 

         Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực tuy nhiên, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức: Mô hình gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp (gia đình hạt nhân chiếm gần 60%/ tổng số hộ gia đình), các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện; tình trạng ly hôn, tảo hôn, chung sống không kết hôn có xu hướng gia tăng (9 tháng đầu năm toàn tỉnh có 175 người chung sống với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn, có 466 phụ nữ sinh con trước 18 tuổi… ); Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn diễn ra. Một số giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới có nguy cơ bị mai một; lối sống thực dụng, chạy theo vật chất đã chi phối thái độ, hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình; 

         Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, thực hiện mục tiêu “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục đạo đức, lối sống cho con người” theo tinh thần Nghị quyết  09-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

         Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác gia đình. Đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình. 

         Thứ hai, bên cạnh việc phát huy những giá trị tích cực của hương ước, quy ước cộng đồng, cần nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách cho công tác gia đình. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình; bổ sung nguồn nhân lực làm công tác gia đình, trẻ em, đồng hành với các gia đình trong giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em như phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống,...

         Thứ ba, Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy tinh thần gương mẫu, làm những tấm gương sáng về đạo đức, tri thức của của ông bà, cha mẹ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, giáo dục dạy bảo con cháu. 

         Thứ tư, Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể …trong triển khai thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trong đó tập trung nâng cao chất lượng xây dựng “Gia đình văn hoá”.  Đặc biệt là phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ trong công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, xây dựng các mô hình CLB phòng chống bạo lực gia đình, Gia đình 5 không 3 sạch; triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình… góp phần vun đắp giá trị của gia đình Việt Nam. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện chương trình giáo dục đời sống gia đình và văn hóa ứng cử trong gia đình cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm.

         Thứ năm, Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đô thị văn minh. 


Mai Thủy
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập