Khởi nghiệp nuôi ốc bươu đen
Lượt xem: 793
Cũng như bao gia đình nông dân khác, nguồn sinh kế chính của gia đình chị Hoàng Thị Lù, anh Lù Văn Sinh ở thôn Khởi Bung, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) gắn liền với trồng trọt cây lúa, quế, rau màu và chăn nuôi lợn, gà. Mấy năm gần đây, việc đầu tư chăn nuôi lợn khiến chị luôn trăn trở, lo lắng bởi những cú sốc ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình như: Lợn hơi rớt giá, diễn biến thị trường thất thường, giá cả bấp bênh, dịch bệnh trong đàn lợn…
Ảnh: Chị Hoàng Thị Lù (người đứng) chia sẻ tại lớp tập huấn
 

Khi xã thành lập tổ nhóm nông dân cùng sở thích với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam vợ chồng chị đăng ký tham gia và tích cực trong các hoạt động chung. Các khóa tập huấn, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm do Hội Phụ nữ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tổ chức như: Lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình; Kết nối thị trường; Tìm kiếm sáng kiến, ý tưởng kinh doanh; Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng; Bình đẳng giới… cứ ngấm dần và tác động dần vào tư duy, tạo ra sự thay đổi của các hộ nông dân thuộc tổ nhóm cùng sở thích trong đó có vợ chồng chị. Thay đổi dễ nhận thấy nhất của gia đình chị đó là mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang thí điểm chăn nuôi ốc nhồi (còn gọi là ốc bươu đen hay ốc lác).

Qua tìm hiểu thông tin, thị trường thấy ốc nhồi là món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích, giá bán cao lên đến 100 ngàn/kg, hiện chưa có nhiều người nuôi, dễ tiêu thụ… chị suy nghĩ tại sao mình không thử nuôi? Vợ chồng chị vào mạng internet tìm tòi, tham khảo rồi bàn bạc, quyết định tiên phong thử nghiệm. Anh chị xây dựng, cải tạo, sửa chữa lại khu chuồng trại dùng để chăn nuôi lợn có sẵn trước đây thành bể, ao để nuôi ốc gồm cả phần có mái che để phòng cho mùa đông rét mướt và phần không có mái che. Khu vực nuôi tận dụng lợi thế có nguồn nước lạch sạch chảy vào, lưu thông nhẹ nhàng, có thể thay được nước, thuận lợi cho nuôi ốc với mực nước duy trì từ 0,8 - 1 mét. Ao nuôi ốc được chuẩn bị kỹ càng, bón phân, khử trùng cẩn thận. 

 Do địa phương chưa có người nuôi nên việc tìm mua ốc giống cũng là cả vấn đề. Anh chị phải lặn lội sang tận huyện bạn tìm mua được hơn 1 kg trứng giống, bảo quản, bọc lót cẩn thận cứ một lớp trứng lại lót 1 lớp bèo vậy mà vận chuyển về đến nhà vẫn bị vỡ trên 02 lạng trứng giống. Sau 15 ngày trứng nở thành ốc con. Hàng ngày cứ đến giờ anh chị cho ốc ăn cám gạo, ngô, sắn, hoa quả, mướp, bí, lá cây, thức ăn hỗn hợp… theo định mức kỹ thuật nhất định và tăng dần lượng thức ăn. Có lần cho ốc ăn xong thấy nước xuất hiện hiện tượng nổi váng, kéo màng bên trên bề mặt; anh chị vội vàng thay, xả kịp thời toàn bộ nước nên không xảy ra vấn đề gì. Để tăng độ mát và độ bám của ốc trong môi trường nước anh chị còn thả thêm bèo, rong. Lứa ốc của gia đình hiện đang được chăm sóc, theo dõi sát sao, quan sát tốc độ lớn, ghi chép sổ sách cẩn thận chờ đến khi đạt kích cỡ 3 - 4 cm/con sẽ tiến hành thu hoạch, cung cấp ra thị trường.

Hiện tại gia đình chị vừa làm thí điểm, vừa mày mò, tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, dịch bệnh cũng như tích lũy dần kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Tuy có những lo lắng khi là người tiên phong đầu tư phát triển nguồn sinh kế mới  nhưng chị cùng gia đình quyết tâm thử nghiệm và dự kiến thời gian tới sẽ vay thêm vốn, tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư nuôi trồng ốc bươu đen.

Tìm tòi, thử nghiệm và mạnh dạn với mô hình kinh tế mới - đó là cả quá trình thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm của người phụ nữ nông dân, dân tộc thiểu số. Chúc chị và gia đình thành công./.

 Tác giả: Kim Ngân
Kim Ngân
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập