Cách tiếp cận - cố vấn đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp
Lượt xem: 335
Hành trình "Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh" được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai triển khai từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng tốc kinh doanh trong chuỗi giá trị nông nghiệp và du lịch, đồng thời tăng cường hệ sinh thái hỗ trợ phát triển kinh doanh và cải thiện môi trường chính sách. Các tổ, nhóm, hợp tác xã đã ngày càng phát triển và khẳng định mình.

         Chương trình đã chọn lọc và hỗ trợ 32 tổ, nhóm, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đánh dấu những đổi thay tích cực; đã có 22/32 đơn vị hỗ trợ đạt tăng trưởng về doanh thu với mức tăng trung bình là 52% (có đơn vị tăng doanh thu lên gấp 3 lần so với trước khi tham gia dự án); 06/32 đơn vị nâng cấp Pháp nhân kinh doanh (chuyển từ mô hình cá nhân/tổ liên kết sang mô hình Tổ hợp tác/HTX; 69% đơn vị mở rộng quy mô sản xuất. Tổng số người hưởng lợi trực tiếp từ dự án: 315 người (trong đó 200 nữ). Tổng số người hưởng lợi gián tiếp gồm các lao động mùa vụ, đối tác và thành viên của các hộ gia đình hưởng lợi từ dự án 5.545 người.

          Thành công trên chính là nhờ cách tiếp cận của dự án theo phương pháp tiếp cận mới; (1) Ươm tạo tăng tốc kinh doanh: Cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu phát triển kinh doanh, tư vấn gây quỹ/thu hút vốn đầu tư, kết hợp với những chương trình đào tạo, huấn luyện cho chủ doanh nghiệp; (2) Phát triển dựa vào nội lực: Tiếp cận PTDVNL được giới thiệu và tập huấn cho các doanh nghiệp để giúp họ xác định rõ các nội lực/tiềm năng của mình cho việc xây dựng các kế hoạch kinh doanh; (3)  Xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp từ mạng lưới các cố vấn đồng hành là các chuyên gia địa phương trên nhiều lĩnh vực.

         Bà Lê Thanh Hương - Trưởng phòng Tư vấn dịch vụ hợp tác quốc tế  - Trung tâm  khuyến nông tỉnh, cố vấn cấp tỉnh tâm sự: "Tại chương trình này thì người dân đóng vai trò là chủ thể chính, họ là chủ đầu tư các hoạt động sinh kế của họ. Chúng tôi đảm nhận 4 vai trò trong đó: Thứ nhất là đồng hành, thứ hai là kết nối, thứ ba là tư duy và cuối cùng là chúng tôi phá băng. Phần tư duy, phần kiến thức mà họ đang có, chúng tôi sẽ kích thích để họ có thể nảy mầm với những kỹ năng, kiến thức mà họ đang có. Về phía tôi cũng có thể vận dụng trong các hoạt động và công việc của bản thân. Về phía bản thân doanh nghiệp, họ được trải nghiệm và nâng cao năng lực cho bản thân mình".

          Ông Hà Quốc Trung - Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch - Sở VH, TT&DL chia sẻ: "Mình đánh giá cao sự đồng hành, vai trò cố vấn tức là nó khác với chuyên gia. Vai trò người cố vấn tức là chia sẻ, thấu cảm những khó khăn đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số khi họ gặp khó khăn trở ngại trong quá trình sản xuất kinh doanh, thì người cố vấn chia sẻ được với họ, giúp họ vượt qua những trở ngại khó khăn, giúp họ định hình được một chiến lược phát triển, kinh doanh một cách bền vững."

Điển hình cho hành trình thay đổi này là những bước tiến mạnh mẽ của Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến Nông lâm nghiệp Hoài Anh tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Được thành lập với mong muốn vực dậy mô hình sản xuất kinh doanh sản phẩm chè đặc sản địa phương, chè Kim Tuyên và Shan Tuyết, tạo thêm nguồn thu nhập cho các chị em, HTX Hoài Anh với sự dẫn dắt của chị Châu Thị Kết đã đạt được những thành tựu nhất định trên thị trường. Đặc biệt, chỉ với 6 tháng đồng hành, mẫu mã sản phẩm đã được cải tiến đáng kể, giá thành sản phẩm tăng từ 100.000 đồng/1kg chè khô lên tới 250.000 - 300.000 đồng/1kg chè khô; Hiện nay thì chúng tôi cũng đã có logo, nhãn mác và bao bì mới, có câu chuyện sản phẩm của chè. Không chỉ đồng hành trong quá trình thực hiện dự án, mà các cố vấn địa phương còn luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ các đơn vị trên hành trình phát triển. HTX Miến dong Hưng Hiền tại xã Bản Xèo, huyện Bát Xát là một ví dụ điển hình. Tham gia dự án từ giai đoạn 1, từ Cơ sở Sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, Miến dong Hưng Hiền đã có những bước tiến vượt bậc và dần khẳng định thương hiệu của mình. Bà Cồ Thị Hiền (Giám đốc HTX Miến dong Hưng Hiền): "Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ cố vấn là những câu chuyện đồng hành, chia sẻ từ các HTX đi trước, và những bài học, kinh nghiệm, tạo một tư duy mới, sự sáng tạo mới, thay đổi từ cơ sở sản xuất kinh doanh và thành lập HTX với những quy mô mở rộng hơn, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra ngoài thị trường hơn. Đầu tiên chỉ ở thị trường trong tỉnh thôi, thì bây giờ đã vươn đến những thị trường rộng mở hơn và được mọi người tiếp cận và biết đến nhiều hơn; thu nhập của Hợp tác xã năm 2021 tăng gấp 3 lần so với tháng 6/2020 trước khi tham gia dự án".

         Việc triển khai hướng tiếp cận: Cố vấn đồng hành và khai phá nội lực của Phụ nữ khởi nghiệp được bà Hà Thị Khánh Nguyệt, chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: "Trong thời gian vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh  tổ chức rất nhiều hoạt động để hỗ trợ giúp đỡ, tư vấn hỗ trợ cho các HTX, các hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ để phát triển kinh doanh nâng cao thu nhập, điểm mà chúng tôi thấy tâm đắc nhất là có một đội ngũ cố vấn đồng hành ở địa phương cũng như các tư vấn đến từ địa phương khác, đã hỗ trợ, giúp đỡ cho tổ hợp tác, hợp tác xã  phát triển, nâng cao năng lực mọi mặt, cũng như gắn với việc các cố vấn đồng hành rất gắn kết với tổ hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, giúp  phát triển kinh doanh, từ những hộ kinh doanh nhỏ phát triển thành Hợp tác xã".

         Chỉ với 18 tháng thực hiện, phương pháp cố vấn đồng hành đã chứng minh được tính hiệu quả khi tác động sâu rộng vào tư duy của các giám đốc chân đất, khai phá tiềm lực của họ, đồng thời hỗ trợ và cố vấn, giúp họ từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Và phương pháp này sẽ tiếp tục được cải tiến và nhân rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ dự án, ranh giới một tỉnh, áp dụng linh hoạt trên hành trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.


Khánh Ngân
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập