Những nữ anh hùng trong lịch sử Việt Nam
Lượt xem: 31235
Với hơn 4000 năm lịch sử, dân tộc Việt Nam sinh ra nhiều người con ưu tú của đất nước trong đó phụ nữ chiếm một phần đáng kể. Nhân ngày truyền thống phụ nữ Việt Nam 20/10, Ban Biên tập xin giới thiệu chân dung 7 gương mặt nữ đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc dựng nước, giữ nước cũng như tôn tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

1. Hai Bà Trưng - Nữ vương đầu tiên trong lịch sử

Danh hiệu này dành cho hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, hai người phụ nữ anh hùng, đã quả cảm phát động và lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, vùng lên đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán, xưng vương và lập nên nền độc lập tự chủ trong vòng ba năm sau hơn 200 năm đắm chìm dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Hai Bà lập nên vương triều mới. Trưng Trắc xưng hiệu là Trưng Vương. Hai Bà đã thắp lên ngọn lửa chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Quyền tự chủ đất nước do Hai Bà mang lại dù ngắn ngủi (từ năm 40 đến 43) song Hai Bà đã khắc hoạ vào lịch sử và tâm thức người dân Việt Nam tấm gương trung nghĩa, anh hùng làm vẻ vang cho nữ giới và dân tộc.

2. Triệu Thị Trinh (Bà Triệu)

Khi nhà Ngô xâm lược đất nước gây nên cảnh đau thương cho dân chúng, khoảng 19 tuổi Triệu Thị Trinh bỏ nhà vào núi xây dựng căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Khi anh trai nhắn về nhà chồng, bà đã trả lời tỏ rõ khí phách của mình: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta”. Hiện nay Lăng và đền thờ Bà vẫn còn mãi với thời gian tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá là di tích lịch sử quan trọng của quốc gia, là bằng chứng về niềm tự hào một người phụ nữ liệt oanh của dân tộc Việt Nam.

3. Bà chúa thơ Nôm (Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương (cuối XVIII - đầu XIX) của Việt Nam)

Với nhiều tác phẩm thơ Nôm, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã được bình chọn là Bà Chúa Thơ Nôm trong nền văn học Việt Nam. Thế giới nội tâm trong thơ nữ sĩ khởi nguồn từ thân phận người phụ nữ: những nỗi buồn đơn côi và tấn bi kịch, những khát khao không được thoả nguyện, những cảnh ngộ trớ trêu, thậm chí đắng cay chua chát. Hồ Xuân Hương là một nhà thơ đầy cá tính, khẳng định mạnh mẽ cái “tôi”, đồng thời dám bộc lộc cảnh ngộ riêng và thái độ ứng xử của chính bản thân mình. Thơ Hồ Xuân Hương là một tiếng sấm giữa bầu trời chế độ phong kiến đang thời kì mục ruỗng, là tiếng nói bệnh vực mọi tầng lấp phụ nữ cùng khổ. Chính vì lẽ đó, Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Nữ Chúa Thơ Nôm Việt Nam cùng với bao kì tích, huyền thoại.

4. Nguyễn Thị Minh Khai - Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên

Là nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào cộng sản Việt Nam. Cô sinh năm 1910 tại Vinh (Nghệ An), năm 1927 gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1929 thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng ở Trung Hoa. Năm 1935 vào học trường Đại học Phương Đông tại Liên Xô cũ, cùng với Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản. Năm 1937, cô về nước hoạt động. Sau khi Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, cô bị giặc Pháp bắt năm 1940 và bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn năm 1941.

5. Võ Thị Sáu - Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang trẻ nhất

Chị Võ Thị Sáu (1933-1952) xứng đáng với danh hiệu này. Ngay từ năm 15 tuổi, chị đã hăng hái tham gia cách mạng, lập nhiều chiến công vang dội. Tháng 5/1950, bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và hành quyết. Năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

6. Nguyễn Thị Định Nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỷ XX

Bà Nguyễn Thị Định (1920 - 1992), sinh ra tại tỉnh Bến Tre. Năm 1974 là Thiếu tướng, Phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, bà là nữ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

7. Nguyễn Thị Bình

Bà là một trong những người lãnh đạo phong trào Phụ nữ cứu quốc Sài Gòn - Chợ Lớn; tham gia lãnh đạo phong trào học sinh sinh viên, phong trào phụ nữ; tham gia tích cực phong trào đấu tranh bảo vệ hoà bình của giới trí thức; bị bắt và bị tù giam tại khám Chí Hoà 1951 – 1953; là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam (1966), rồi Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Trưởng phái đoàn đàm phán tại Hội nghị quốc tế Pa-ri về Việt Nam, là một trong bốn bên ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam năm 1973; Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ CHXHCN Việt Nam 1976-1987; từ năm 1992 là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ban biên tập
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập