Đưa hương vị cốm Bắc Hà đến với du khách
Lượt xem: 741
Với ý tưởng phát triển nghề làm cốm truyền thống gắn với sự phát triển du lịch Bắc Hà, chị Lù Thị Tươi – người dân tộc Tày tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cốm Bắc Hà, đưa làng nghề cốm phát triển nhằm mục đích tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số. 

         Từ đặc sản vùng cao
       Cốm và khẩu rang là một trong những sản phẩm tạo nên đặc sản vùng cao Bắc Hà, là món quà thiên nhiên ban tặng người nông dân được kết tinh từ lúa non với hương vị đất trời và sương sớm. Nếp Bắc Hà nổi tiếng với hạt nếp to tròn, trắng trong. Cây lúa nếp có màu xanh tự nhiên và hương thơm rất đặc biệt. Vậy nên, cốm và khẩu rang cũng có hương vị đặc trưng của giống lúa này. Đây là sản phẩm được tạo ra từ bàn tay của người dân tộc Tày, thay vì gói cốm trong lá sen theo kiểu người Hà Nội, Cốm Bắc Hà được gói bằng lá dong xanh, vừa giữ được độ ẩm của cốm lại lưu giữ được mùi thơm của lúa.

Sản phẩm cốm của gia đình chị Tươi

        Từ những lợi thế trên, chị Lù Thị Tươi quyết tâm tạo ra sản phẩm từ đặc sản quê hương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân, bảo tồn giống lúa, gia tăng diện tích trồng lúa ở Bắc Hà, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Bởi thế, đầu năm 2020, chị Lù Thị Tươi đã hình thành hộ kinh doanh gia đình, định hướng và kinh doanh sản phẩm cốm và khẩu rang mang sức quyến rũ đặc biệt của vùng cao Bắc Hà.

         Nâng tầm sản phẩm Việt

        Cốm và khẩu rang Bắc Hà được tạo ra từ giống nếp nương – nếp cái hoa vàng, ăn dẻo thơm, ngon hơn các loại nếp khác. Ăn có vị rất khác biệt so với nếp ở vùng đồng bằng. Cốm ngon nhất khi ăn lúc mới làm xong hay khách hàng có thể chế biến thành chè hoặc xôi cốm và bánh cốm. Hiện nay, giá của sản phẩm cốm từ 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng tùy loại. Khẩu rang có giá từ 45 nghìn đồng đến 75 nghìn đồng 1 kg. 

       Cùng với đó, Bắc Hà có diện tích trồng lúa tương đối lớn, với kinh nghiệm lâu năm làm nghề, chị Tươi chọn giống lúa tốt nhất để hạt cốm đến tay khách hàng xanh, dẻo, thơm. Do Bắc Hà là một huyện du lịch của tỉnh Lào Cai, cho nên chị cũng hướng tới gắn sản phẩm với du lịch.

Chị Lù Thị Tươi

       Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của gia đình chị Tươi cũng gặp không ít khó khăn bởi chưa có điều kiện đầu tư các thiết bị hiện đại cho việc sản xuất cốm, thời gian sản xuất 90% bằng thủ công nên khi thành sản phẩm cung ứng ra thị trường mất rất nhiều thời gian và công sức, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết với các siêu thị tại các thành phố lớn, các cửa hàng thực phẩm an toàn. Cùng với đó là tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng đến những tỉnh miền Nam đẫn đến mất đi một lượng khách hàng lớn. 
       Với việc phát triển đặc sản cốm và khẩu rang, chị Lù Thị Tươi đã đưa hộ sản xuất gia đình tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng. Đồng thời giúp cho người dân trong thôn đổi mới suy nghĩ, cách làm theo hướng sản xuất hàng hóa, vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân tại địa phương, hạn chế được tình trạng người dân đi lao động thuê xa nhà. 
       Chị  Lù Thị Tươi – Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Cốm, khẩu rang Bắc Hà; Địa chỉ: Thôn Na Lo – xã Tà Chải – huyện Bắc Hà – tỉnh Lào Cai; Số điện thoại: 038 8219319


Bùi Lý - Hội LHPN huyện Bắc Hà
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập