Hội nghị tổng kết dự án “Tăng thu nhập cho đồng bào thông qua phát triển chuỗi giá trị” giai đoạn 2021 – 2023
Lượt xem: 167
Dự án “Tăng thu nhập cho đồng bào thông qua phát triển chuỗi giá trị” (dự án) được tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (Brot fur die Welt) tài trợ đã thực hiện tại 4 thôn thuộc 2 xã Tân Thượng, Nậm Mả, huyện Văn Bàn. Qua 03 năm triển khai thực hiện dự án, ngày 25/12/2023 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết dự án giai đoạn 2021-2023 tại tỉnh.
anh tin bai

Đồng chí Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trưởng Ban điều hành dự án phát biểu 

Dự và chỉ đạo hội nghị có lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Lào Cai: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Sở Ngoại vụ, Trung tâm Khuyến nông, phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh; Ban điều hành dự án 3 cấp, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Bàn, lãnh đạo và người dân được hưởng lợi từ dự án tại 4 thôn: Tân Lập, Tân Trúc xã Tân Thượng và thôn Nậm Mả, Nậm Trang xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trưởng Ban điều hành dự án tỉnh đã đánh giá khái quát những kết quả đạt được của dự án trong giai đoạn 2021 - 2023. Theo đó, các hoạt động dự án đều đạt các mục tiêu, chỉ số  đề ra. 

 

Thứ nhất, mục tiêu về sinh kế của người nông dân, đặc biệt là phụ nữ trong vùng dự án được cải thiện thông qua quy trình sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường và sinh thái nông nghiệp. Đến cuối dự án, thu nhập của các hộ gia đình tham gia các tổ liên kết, tổ hợp tác tăng 30% so với năm 2021: Có 23 hộ thu nhập tăng từ 20 lên 26 triệu đồng/năm; 27 hộ thu nhập tăng từ 30 đến 40 triệu đồng lên 40 đến 50 triệu đồng/năm; 40 hộ thu nhập từ 60 đến 80 lên 75 đến 90 triệu đồng/năm; 24 hộ thu nhập từ trên 100 triệu đồng lên 130 triệu đồng/năm.
Thứ hai, mục tiêu về giá trị của các đặc sản địa phương, đặc biệt là các đặc sản chủ yếu do phụ nữ sản xuất, gia tăng nhờ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, đến cuối dự án đã có 2 đặc sản của địa phương chủ yếu do phụ nữ sản xuất được truy xuất nguồn gốc, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022 và công nhận chứng chỉ VietGAP năm 2023.
Thứ ba, mục tiêu về tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển bền vững nhằm hỗ trợ sinh kế của phụ nữ và phòng, chống biến đổi khí hậu, tính đến cuối năm 2023 có 1.090/1.364 phụ nữ trong vùng dự án tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ rừng và có vai trò lớn hơn trong gia đình và cộng đồng.

anh tin bai

Đại biểu tham dự hội nghị

Qua những kết quả đạt được của dự án đã góp phần thay đổi nhận thức và tư duy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cho người dân địa phương, giúp người dân nâng cao kiến thức về sản xuất, liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm hồng không hạt và khoai sọ đem lại hiệu quả kinh tế ổn định; người dân đã được cải thiện kỹ năng giao tiếp và lập kế hoạch phát triển sản phẩm giúp họ có khả năng mở rộng thị trường và quy mô sản xuất. Đồng thời thông qua các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới đã giúp nam giới nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng góp phần cải thiện và thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó, dự án góp phần bảo vệ môi trường; bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng... Ngoài ra, dự án góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương đạt được các mục tiêu liên quan đến xóa đói giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức về phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm an toàn, từng bước cải thiện điều kiện sống, điều kiện sức khỏe, điều kiện kinh tế góp sức xây dựng nông thôn mới.

Hồng Nhung
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập