Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho Phụ nữ Dân tộc Mông xã Nậm Mả
Lượt xem: 230
Xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn có 99% là dân tộc Mông, đất đai chủ yếu là đồi núi dốc, hệ thống thủy lợi kém phát triển. Cùng với đó, 50% tuyến đường liên thôn là đường đất, vì thế xã Nậm Mả được ví như một “ốc đảo” kém thế hơn so với các xã lân cận… Người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế hộ gia đình. 

        Năm 2021, khi triển khai dự án “Tăng thu nhập cho đồng bào thông qua phát triển chuỗi giá trị” tại xã Nậm Mả có 239 hộ thì vẫn còn hơn 40 hộ nghèo (chiếm gần 37%), trong số đó có 24 hộ đang ở trong nhà tạm, bình quân thu nhập đầu người của xã đang thấp nhất huyện (mới đạt 21 triệu đồng/người/năm), trong khi đó tỷ lệ lao động thiếu việc làm cao, người dân lại không sản xuất được hàng hóa.

anh tin bai

 

   Dự án “Tăng thu nhập cho đồng bào thông qua phát triển chuỗi giá trị” tập trung hỗ trợ sinh kế của người nông dân, đặc biệt là phụ nữ trong vùng dự án được cải thiện thông qua quy trình sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường và sinh thái nông nghiệp. Đã có 16 lớp tập huấn tại xã về xây dựng năng lực kỹ thuật về thực hành an toàn và thân thiện với môi trường; kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chống suy thoái đất; hướng dẫn làm phân vi sinh IMo; kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc; thu hái, bảo quản sau thu hoạch và chế biến khoai sọ; tập huấn về khởi nghiệp kinh doanh và cải thiện năng lực tiếp cận thị trường; kiến thức marketting, hướng dẫn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; hướng dẫn xây dựng bộ tiêu chí giám sát và đánh giá để đánh giá các mô hình sinh kế đã thực hiện; tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế và cây xen canh; kiến thức bảo vệ rừng và phòng chống biến đổi khí hậu; về bình đẳng giới, phát triển rừng bền vững và kỹ năng truyền thông cho các tuyên truyền viên (cán bộ xã, lãnh đạo thôn bản, cán bộ Hội phụ nữ) cho 100% lượt chị em phụ nữ và nhân dân. 
           Đi đôi với hoạt động tập huấn, để nâng cao nhận thức và phát huy tính sáng tạo của người dân vào việc cải thiện điều kiện đời sống, phát triển chuỗi giá trị và cải thiện tiêu thụ sản phẩm; ban điều hành dự án tỉnh đã mời chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Thông qua Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thành Phát, dự án hỗ trợ 01 lò sấy củi, 02 tủ cấp đông, 01 máy gọt khoai, 01 máy rửa khoai, 01 máy hút chân không, 100.000 cây quế giống (hỗ trợ cho 50 gia đình hội viên phụ nữ), 60 đôi ủng, cuốc cho 60 thành viên tổ liên kết trồng khoai sọ tại 02 thôn Nậm Mả, Nậm Trang; hỗ trợ 60 bao bì đóng gói, 135 tem nhãn; hỗ trợ 1.260 thùng đựng khoai sọ; kết nối cho thành viên tổ liên kết/tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia các hội chợ, các sự kiện để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. 
  Từ xã thuần nông, đến nay chị em phụ nữ các tổ liên kết trồng khoai sọ và các thành viên của hợp tác xã đã thực hiện các khâu sơ chế, đóng gói củ khoai sọ; kết nối tiêu thụ sản phẩm. Chị Giàng Thị Hà, thành viên hợp tác xã Nông nghiệp Thành Phát xã Nậm Mả, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn tâm sự: "Khoai sọ sau khi đã rửa sạch, hút chân không thì cho vào tủ, để trong ngăn mát sẽ bảo quản được 6 tháng. Còn nếu bảo quản lâu hơn, khoảng 01 năm thì cho vào ngăn đá".
 Đến năm 2023, sản phẩm khoai sọ xã Nậm Mả đã đạt tiêu chuẩn OCOP, được công nhận Vietgap; giá khoai sọ xã Nậm Mả đã tăng từ 15.000/kg đồng lên 23.000 đồng/kg và 40.000 đồng/kg (gọt vỏ). Có rất nhiều gia đình chị em phát triển kinh tế từ mô hình dự án hỗ trợ, như gia đình chị Giàng Thị Cảnh, Sùng Thị Chanh, Giàng Thị Diễn... được dự án hỗ trợ giống quế và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản quế và cây khoai sọ bản địa trên địa bàn thôn Nậm Trang – xã Nậm Mả. Sau 03 năm, gia đình các chị đã mở rộng diện tích trồng cây quế và  khoai sọ trên 3 ha. Trong năm 2023, thu nhập từ sản phẩm khoai sọ được trên 30 triệu đồng, tăng 50% so năm 2020. Từ việc thu nhập trên đã góp phần mang lại thu nhập cho gia đình, mua sắm được dụng cụ sử dụng trong gia đình và mua được đồ dùng học tập cho con cháu.
 Tại Hội nghị tổng kết dự án, Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã phát biểu: "Một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc là “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” tiếp sức cho phụ nữ xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình; giúp chị em dân tộc thiểu số tự tin tham gia hoạt động cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi, kết nối hỗ trợ phụ nữ, giúp chị em ứng dụng công nghệ 4.0 để có nhiều cơ hội hơn trong tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tăng cường chia sẻ học hỏi mô hình hay, hỗ trợ chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao quyền năng kinh tế".
         Chính quyền địa phương kỳ vọng việc mở rộng diện tích đi liền với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ đạt chuẩn OCOP sẽ giúp những hộ dân tộc Mông ở địa bàn đặc biệt khó khăn này có thêm thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

 
Khánh Ngân
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập