Tìm hiểu pháp luật: "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia"
Lượt xem: 74
Ngày 01/01/2020 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (PCTHCRB) có hiệu lực thi hành. Đây là một trong những luật chứa những quy định tác động mạnh tới đông đảo người dân nhất là vào dịp tết nguyên đán, lễ hội.

Luật được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua gồm 07 chương, 36 điều: Chương I, Những quy định chung; Chương II, Biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; Chương III, Biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; Chương IV, Biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; Chương V, Điều kiện bảo đảm cho hoạt động PCTHCRB; Chương VI, Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCTHCRB; Chương VI, Điều khoản thi hành.

Đáng chú ý tại Điều 5 Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTHCRB gồm: (1) Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; (2) Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; (3) Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; (4) Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; (5) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; (6) Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; (7) Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; (8) Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; (9) Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; (10) Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia; (11) Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; (12) Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia; (13) Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Như vậy, Luật PCTHCRB có một số điểm mới, chính thức được luật hóa; cụ thể là:

1) Đã uống rượu, bia thì không được lái xe
2) Phải dán, niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi
         3) Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ (như nhà hàng, quán nhậu…) nhắc nhở khách và có hình thức thông tin về việc không điều khiển phương tiện giao thông; hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.
           4) Không mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện
          5) Thành viên gia đình được hướng dẫn kỹ năng từ chối, hạn chế uống rượu, bia, PCTHCRB
        6) Cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ theo quy định.
Thực hiện Luật PCTHCRB, Hội Phụ nữ có trách nhiệm: 1) Giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, phụ nữ thực hiện chính sách, pháp luật về PCTHCRB; 2) Đưa nội dung PCTHCRB vào nội quy, quy chế của tổ chức Hội; 3)  Tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực PCTHCRB; 4) Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; 5) Lồng ghép hoạt động PCTHCRB trong công tác Hội.


 Tác giả: Ban Tuyên giáo - Chính sách, luật pháp

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập