CHUYÊN ĐỀ: TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Lượt xem: 156
I. NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

 

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc (khoản 1, 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 2 NĐ số 115/2015/NĐ-CP), gồm:
1.1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
1.2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện (khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 2 NĐ số 134/2015/NĐ-CP), gồm:
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này”.
3. Bảo hiểm thất nghiệp (khoản 1 Điều 43 Luật việc làm), gồm:
3.1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
II. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP (ĐIỀU 18, 19, 20, 21 LUẬT BHXH NĂM 2014)
1. Quyền của người lao động (Điều 18 Luật BHXH)
1.1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
1.2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
1.3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
c) Thông qua người sử dụng lao động.
1.4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
a) Đang hưởng lương hưu;
b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
c) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
d) Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
1.5. Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
1.6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
1.7. Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
1.8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của người lao động (Điều 19 Luật BHXH)
2.1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật BHXH.
2.2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.
2.3. Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
III. MỨC ĐÓNG VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG
1. Mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc(Điều 85, 86 Luật BHXH năm 2014), cụ thể:
1.1. Người lao động
- Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Người lao động quy định điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất”.
1.2. Người sử dụng lao động
1.2.1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH như sau:
a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
b) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
1.2.2. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH như sau:
a) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
b) 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
1.2.3. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH.
2. Mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội  tự nguyện (Điều 87 Luật BHXH năm 2014 và Điều 10 NĐ số 134/2015/NĐ-CP), cụ thể:
Mức đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
3. Mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 57 Luật Việc làm năm 2018), được quy định như sau:
3.1. Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
3.2. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
3.3. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
4. Các chế độ đượng hưởng (Điều 4 Luật BHXH năm 2014 và Điều 42 Luật Việc làm), gồm:
4.1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
4.2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
4.3. Bảo hiểm thất nghiệp có các chế độ sau:
a) Trợ cấp thất nghiệp.
b) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
c) Hỗ trợ Học nghề.
d) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập