“5 KHÔNG, 3 SẠCH” Chung sức xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 692
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là động lực, làn gió mát làm thay đổi diện mạo nông thôn mới Lào Cai. Góp phần tạo nên thay đổi đó, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã có nhiều hoạt động tích cực, trong đó nổi bật là sáng tạo triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (Cuộc vận động).

Từ chủ trương, đường lối...
Cuộc vận động được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động trên phạm vi cả nước. Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và XII (nhiệm kỳ 2012 - 2017 và 2017 - 2022) đều xác định thực hiện Cuộc vận động là nội dung quan trọng, xuyên suốt nhằm vận động, hướng dẫn, huy động phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới. Bám sát chỉ đạo của Hội cấp trên và chủ trương, chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; với đặc thù của tổ chức đại diện cho giới cũng như tình hình thực tế tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc; Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã chủ động, tập trung đầu tư, sáng tạo triển khai Cuộc vận động gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Xác định tầm quan trọng của Cuộc vận động, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011- 2016 đã lựa chọn thực hiện xây dựng gia đình hạnh phúc theo tiêu chí “5 không, 3 sạch” là một trong số 2 khâu đột phá của phong trào phụ nữ cả nhiệm kỳ. Lấy khâu đột phá làm mũi nhọn,
Hội khảo sát, nghiên cứu, phân tích thực tiễn và cụ thể hóa Cuộc vận động bằng hàng loạt các chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp… gắn với xây dựng nông thôn mới và triển khai đảm bảo cả chiều rộng, chiều sâu, hiệu quả.
Cuộc vận động triển khai với 8 tiêu chí cụ thể phù hợp với bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bao gồm: 1) Không đói nghèo; 2) Không vi
phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; 3) Không có bạo lực gia đình; 4) Không sinh con thứ ba trở lên; 5) Không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học; 6) Sạch nhà; 7) Sạch bếp; 8) Sạch ngõ. Quá trình thực hiện, Lào Cai đã chủ động điều chỉnh, sửa đổi tiêu chí thứ 4 từ “Không sinh con thứ ba trở lên” thành tiêu chí “Không vi phạm chính sách dân số” cho phù hợp với quy định của pháp luật mới ban hành. Đặc biệt, từ thực tiễn thực hiện 8 nội dung “5 không, 3 sạch” Hội đã sáng tạo bổ sung thêm nội dung thực hiện “3 sạch” nhằm thúc đẩy tiêu chí thứ 17 (về môi trường và an toàn thực phẩm) trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai; đó là: “Sạch nhà” gắn với vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khoẻ gia đình, sử dụng nước sạch, công trình phụ hợp vệ sinh, làm chuồng trại xa nhà; “Sạch bếp” gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm; “Sạch ngõ” gắn với bảo vệ môi trường.
Tạo sự đồng thuận….
Để Cuộc vận động đi vào cuộc sống, Hội đầu tư nâng cao nhận thức, ý thức từ đó từng bước thay đổi dần hành vi, thói quen của phụ nữ cùng các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền miệng; trực quan; thông tin đại chúng; truyền thông phiên chợ; hội thi; sinh hoạt hội viên; làm điểm, thực hành mẫu; lồng gắn, phối hợp .v.v.. các thông điệp “5 không, 3 sạch” được lan tỏa rộng rãi. Tùy theo địa bàn vùng cao, vùng thấp, Hội chọn lựa nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp theo các nhóm đối tượng; trong đó ưu tiên quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đội ngũ cán bộ Hội và tuyên truyền viên ở các thôn bản được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn triển khai Cuộc vận động không quản vất vả, ngày đêm len lỏi bám nắm địa bàn, phụ trách từng nhóm hộ gia đình, gặp gỡ tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn. Hỗ trợ hoạt động truyền thông có các tài liệu trực quan, tranh ảnh, pano, apphich, băng đĩa hình, . Với vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có riêng bộ tranh lật, tuyên truyền theo phương châm “Cầm tay chỉ việc”, “Cùng nói tiếng của bà con”, “Thực hành làm mẫu”...
Các chi, tổ phụ nữ thôn bản rà soát, lập sổ sách theo dõi từng hộ gia đình, đối chiếu vào từng tiêu chí đã đạt hoặc chưa đạt. Tại cuộc sinh hoạt phụ nữ định kỳ, hội viên phát huy nội lực, thảo luận, hiến kế, đề ra giải pháp và đăng ký cam kết thời gian hoàn thành tiêu chí chưa đạt. Hội có kế hoạch và phân công hội viên hoặc nhóm hội viên đôn đốc, hỗ trợ giúp đỡ. Cuối năm tiến hành bình xét hộ đạt tiêu chí. Chỉ tiêu đạt “5 không, 3 sạch” được giao về từng địa phương và là căn cứ phân xếp loại thi đua.
Mưa dần thấm lâu, công tác tuyên truyền đi liền với việc làm thiết thực qua đó thông điệp “5 không, 3 sạch” được lan tỏa, tạo sự đồng thuận, hào hứng thi đua thực hiện rộng khắp ở cả vùng thấp, vùng cao, các dân tộc.
Đi vào đời sống…
Chị em nhận thức vấn đề “5 không, 3 sạch” là của bản thân, vì lợi ích của gia đình sau đó là của cộng đồng nên đồng tình thực hiện. Đặc biệt, Cuộc vận động không chỉ dừng lại với đối tượng phụ nữ mà thu hút cả nam giới và các thành viên khác cùng thực hiện. Phụ nữ, hộ gia đình không trông chờ ỷ nại, chủ động phát triển kinh tế, xây
dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội ngay từ gia đình, thực hiện vệ sinh môi trường… Cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội chủ động khai thác các nguồn lực, dự án từ các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho giới và phát triển gắn nội dung “5
không, 3 sạch” vào triển khai.
Phát huy nội lực, Hội phát động hàng loạt phong trào tạo nguồn lực và động lực, kết nối, hỗ trợ thực hiện “5 không, 3 sạch”. Tiêu biểu là phong trào: “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”, “2, 3 phụ nữ khá, giàu giúp 1 phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ”; “Cả chi Hội giúp 1 hộ nghèo do nữ làm chủ thoát nghèo”; “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; Ủng hộ, xây dựng gần 400 “Mái ấm tình thương”; Thành lập gần 1000 mô hình, câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, hàng ngàn tổ, nhóm, câu lạc bộ ở cộng đồng với các
chủ đề liên quan; Phát động và duy trì phong trào tổng vệ sinh định kỳ… Ký kết, phối hợp liên ngành các chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Quản lý, giáo dục thành viên trong gia đình không phạm tội và TNXH”…
Nhiều địa phương có những cách làm hay, sáng tạo, phát huy nội lực và ngoại lực thực hiện “5 không, 3 sạch” như: Tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo hệ thống chính trị cùng vào cuộc; Huy động xã hội hóa, tài trợ; Nuôi lợn nhựa tiết kiệm, hình thành nhóm phụ nữ tương hỗ luân phiên nhau làm làm công trình vệ sinh; Xây dựng công trình nhỏ tặng hộ khó khăn; Ngày thứ 7 xanh; Đường hoa phụ nữ…
Rút kinh nghiệm giai đoạn 2011 - 2016 với kết quả toàn tỉnh có 50.414 hộ/94.825 hộ gia đình (bằng 53,1%) đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch” góp phần đưa 11 xã giai đoạn này đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2017 đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh chỉ đạo nâng tầm và điều chỉnh chỉ tiêu Cuộc vận động là: Hàng năm 100% Hội Phụ nữ cơ sở đăng ký với cấp ủy địa phương thực hiện ít nhất 01 hoạt động cụ thể của Hội tham gia xây dựng nông thôn mới; Mỗi cơ sở Hội giúp 02 hộ trở lên đạt “5 không, 3 sạch”/năm; Mỗi cơ sở Hội phát hiện, xây dựng từ 02 điển hình, cách làm hay/năm. Qua đó tiếp thêm động lực mới để “5 không, 3 sạch” thêm sâu rộng thiết thực, sáng tạo. Tính đến hết
năm 2020 thực hiện tiêu chí “không đói nghèo” có 1.136 hộ được Hội giúp đỡ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 8.2% đồng thời nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 54 xã trong toàn tỉnh.

Nâng tầm cao mới...
Song hành, bổ trợ thực hiện “5 không, 3 sạch” là mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” gồm 10 tiêu chí cụ thể áp dụng cho từng hộ gia đình và cho nhóm hộ gia đình. Hộ nào đạt đủ các tiêu chí sẽ được gắn biển công nhận “Nhà sạch, vườn đẹp”. Sau thời gian thí điểm thực hiện và đánh giá hiệu quả tác động, bộ tiêu chí xây dựng “Nhà sạch, vườn đẹp” của Hội phụ nữ được Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai lựa chọn, đưa vào kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Vệ sinh môi trường nông thôn” trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 359/QĐ-UBND ngày 05/02/2013). Đến nay “Nhà sạch, vườn đẹp” trở thành mô hình của tỉnh để xây dựng nông thôn mới triển khai tại 100% xã, phường và được UBND giao chỉ tiêu thực hiện hàng năm. Lũy kế đến nay toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 685 câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp” với 22.477 thành viên, góp phần đắc lực thay đổi diện mạo nông thôn mới Lào Cai. Từ “Nhà sạch, vườn đẹp” ban đầu do Hội Phụ nữ khởi xướng đến nay tại nhiều cơ sở mô hình này đã được nâng cấp, phát triển nâng lên tầm cao hơn trở thành “Nhà đẹp, vườn đẹp, hàng rào đẹp”, “Nhà đẹp, vườn đẹp, ngõ khang trang”...

Năm 2020, Hội Phụ nữ tỉnh phát động phong trào xây dựng “90 Đường hoa phụ nữ - Sắc mới thôn quê” là công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020) và cũng đồng thời là mở rộng phạm vi thực hiện “5 không, 3 sạch”. Tùy thực tế địa phương là
nông thôn hay phố phường, các hội thảo bàn các giải pháp thực hiện, họp hội viên thảo luận, hiến kế … được tổ chức dân chủ, tạo sự đồng thuận nhất trí hưởng ứng cao. Hội tham mưu với cấp ủy chỉ đạo các ban, ngành địa phương phối hợp cùng vào cuộc xây dựng tuyến phố điện, đường hoa với khẩu hiệu “Đường rộng, sáng điện, nhiều
hoa, nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển”.
Với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo và huy động xã hội hóa 100% nguồn lực; đến nay các cấp Hội trong tỉnh đã hoàn thành xây dựng 253 tuyến phố điện, đường hoa với chiều dài hơn 200 km (đạt 280% kế hoạch) với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Mô hình này hiện được nhiều khu dân cư và Chi hội phụ nữ đăng ký thực hiện, nhân rộng trong thời gian tới.
Những phong trào, những cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Phố điện, đường hoa”... đã có hiệu ứng tích cực, trở thành “thương hiệu” của Hội Phụ nữ. Như những con ong cần mẫn kết mật dâng đời, bằng việc làm cụ thể, thiết thực phụ nữ các dân tộc Lào Cai đã, đang và sẽ chung sức xây
dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung
du, Miền núi phía Bắc, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đi vào cuộc sống.

Kim Ngân
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập