Điểm tựa vùng biên cương
Lượt xem: 132
Biên cương nơi “phên dậu” của Tổ quốc, Đồn Biên phòng Y Tý quản lý và bảo vệ trên 23 km đường biên giới, phụ trách địa bàn 3 xã thuộc huyện Bát Xát là Y Tý, Ngải Thầu, A Lù với 27 thôn bản gồm 05 dân tộc anh em sinh sống. Cùng với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự biên giới; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Y Tý còn tích cực hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp bà con nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt” bộ đội biên phòng đã phát huy sức mạnh đoàn kết quân dân, tạo điểm tựa vững chắc trong lòng người dân địa phương. Công tác vận động quần chúng được Đồn Biên phòng Y Tý thực hiện hiệu quả. Với phương châm 3 bám, 4 cùng (bám dân, bám đồn, bám biên giới, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói ngôn ngữ của bà con) và cùng với Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, giai đoạn 2017-2021” cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng đã tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực thực hiện phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Đậm đà nghĩa tình quân dân biên giới, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, thiết thực trên địa bàn như: “Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản”, “Con nuôi bộ đội biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đoạn đường/công trình Nông thôn mới”, “Mái ấm tình thương”, kết nghĩa, đỡ đầu... là hiện hữu chung sức đồng lòng giữa nhân dân và bộ đội biên phòng. Những đội vận động quần chúng, trạm quân dân y kết hợp, thầy giáo bộ đội, thầy thuốc bộ đội, bộ đội mang quân hàm xanh, cán bộ bộ đội tăng cường... luôn là hình ảnh gần gũi thân quen, gắn bó và các anh đã trở thành người con của dân bản, của núi rừng vùng cao.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Y Tý đã cùng cấp ủy, chính quyền 3 xã trên địa bàn bàn bạc các biện pháp, cách thức đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung tạo nguồn vốn, cây con giống hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, giảm nghèo bền vững. Trong đó nổi bật là cách làm mô hình vườn ươm cây giống giúp các hộ nghèo do Đồn Y Tý thực hiện. Đây là cách làm mới, là mô hình đầu tiên trong hệ thống các Đồn biên phòng trên tuyến biên giới của tỉnh.

Với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng vùng cao hợp cây Chè Tuyết Shan là loại chè quý, có giá trị kinh tế cao song trên địa bàn xã A Lù chỉ còn khoảng trên 2ha giống chè Tuyết Shan. Tận dụng lợi thế địa phương và để duy trì nguồn zen quý, Đồn Biên phòng Y Tý đã cử cán bộ đi học tập xây dựng mô hình vườn ươm, kỹ thuật làm giống ở trong và ngoài tỉnh; đồng thời vận động bà con duy trì, cải tạo diện tích chè cổ thụ hiện có, mở rộng diện tích trồng chè. Đồn xây dựng vườn ươm tại thôn Tả Suối Câu xã A Lù với quy mô gần 150 m2; mua các chế phẩm sinh học kích rễ; cử cán bộ, chiến sỹ và huy động người dân cùng làm bầu đất, hom giống, ươm trồng, chăm sóc 30.000 cây chè Tuyết Shan giống. Số cây giống này được bàn giao cho xã và cấp phát miễn phí cho các hộ nghèo. Cán bộ, chiến sỹ của đồn còn đóng góp tiền mua phân bón hỗ trợ bà con và tham gia trồng chè cùng với các hộ dân. Sau mô hình thí điểm này, Đồn sẽ tiếp tục nhân giống, mở rộng mô hình; cử cán bộ, chiến sỹ chuyển giao kỹ thuật ươm cây giống đồng thời hỗ trợ bà con  mua các chế phẩm sinh học kích dễ, phân bón… Bằng những việc làm thiết thực, cầm tay chỉ việc của bộ đội biên phòng, bà con dân tộc thiểu số học được cách trồng trọt, chăn nuôi, mô hình sản xuất, phát triển kinh tế.

Đồn Biên phòng Y Tý đã và đang sát cánh cùng người dân biên ải, tạo thay đổi tích cực diện mạo nông thôn mới trên vùng quê biên giới./. 

Hải Vũ
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập